Bộ Luật Hàng hải Việt Nam

Thứ Tư, 17/05/2017, 16:03 GMT+7

     

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XII, với 438 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết (chiếm 88,66% tổng số ĐBQH) và 433 ĐBQH biểu quyết tán thành (chiếm 87,65%), Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, gồm 20 chương với 341 điều, tăng 2 chương và 80 điều so với Bộ luật Hàng hải VN năm 2005. Bộ luật sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017.

Hướng tới sự phát triển, hội nhập của ngành hàng hải

Chính sách phát triển hàng hải đã được Bộ luật bổ sung, quy định đầy đủ, chi tiết hơn trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển, phát triển đội tàu biển, đội ngũ thuyền viên đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực hàng hải nhằm định hướng, làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể theo từng giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, Bộ luật bổ sung một chương mới quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường với các quy định chi tiết về an toàn, an ninh hàng hải; tìm kiếm cứu nạn trên biển; quy định về phạm vi bảo vệ và giải quyết sự cố trong bảo vệ công trình hàng hải; bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải, phá dỡ tàu biển.

Cải cách thủ tục hành chính là một trong các mục tiêu trọng tâm trong quá trình sửa đổi Bộ luật. Các quy định về đăng ký, mua bán tàu biển được quy định rõ ràng, chi tiết; thời hạn tạm giữ tàu biển cũng được quy định cụ thể trong Bộ luật nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất tổn thất và tránh trường hợp làm khó cho chủ tàu.

Hộ chiếu thuyền viên cũng được loại bỏ để giảm thiểu số lượng giấy tờ của thuyền viên khi hoạt động trên tuyến quốc tế; đồng thời bãi bỏ thủ tục hành chính chấp thuận đặt tên tàu biển, đặt tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước khi đặt tên chỉ cần tuân theo nguyên tắc quy định tại Bộ luật.

Ngoài ra, Bộ luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định về lai dắt tàu biển, hoa tiêu hàng hải, phá dỡ tàu biển, trục vớt tài sản chìm đắm, xử lý tài sản chìm đắm gây nguy hiểm theo hướng rõ ràng, cụ thể, chi tiết và phù hợp với điều ước, thông lệ quốc tế.